Ngày 23 tháng 10 năm 2024, Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong xu thế hội nhập”. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các sở ban ngành, các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, cùng với đông đảo giảng viên và sinh viên.
Đại biểu tham dự hội thảo
Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh ngành công nghiệp bán dẫn rất đa dạng, bao gồm nhiều khâu như nghiên cứu, phát triển, sản xuất vật liệu, thiết kế, chế tạo, kiểm thử và đóng gói vi mạch … Để làm rõ các vấn đề liên quan đến đào tạo nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đáp ứng nhu cầu thị trường, cần xác định rõ các doanh nghiệp đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam, cũng như phân khúc và công đoạn mà tập trung.
NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã cũng cho biết, Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ đang tập trung xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, đồng thời tăng cường đầu tư cho nghiên cứu về điện tử và vi mạch bán dẫn nhằm phát triển nguồn nhân lực chuyên môn cao. Hội thảo là dịp để các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp thảo luận về xu hướng phát triển công nghệ, yêu cầu kiến thức và kỹ năng cho người lao động, cũng như nhu cầu và giải pháp đào tạo nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Các báo cáo viên trình bày tham luận tại hội thảo
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên uy tín từ các trường đại học, với tổng cộng 13 tham luận được đề xuất. Trong đó có 4 tham luận được trình bày tại hội thảo. Các báo cáo tập trung những vấn đề cốt lõi như công tác đào tạo, những khó khăn, thách thức, cũng như xu hướng phát triển nguồn lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Những phát biểu này đã góp phần làm rõ thêm về những yêu cầu và giải pháp trong việc đào tạo phục vụ cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.
Ban Chủ tọa điều hành tại hội thảo
Hội đồng Chủ tọa quy tụ các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điện – điện tử, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đứng đầu là NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ (thứ hai từ trái), PGS. TS. Võ Ngọc Điều, Phó Trưởng khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (bìa trái), GVC.TS. Lương Vinh Quốc, Trưởng khoa Khoa Điện tử – Viễn thông, Trường Đại học Cần Thơ (thứ ba từ trái). Cùng góp mặt trong Ban Chủ tọa là ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Tumiki (bìa phải), đã tham gia để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm. Sự hiện diện của các chuyên gia đã mang đến nhiều góc nhìn đa dạng, làm phong phú thêm các nội dung thảo luận tại hội trường.
Đại biểu chia sẻ, thảo luận tại hội thảo
Nhân dịp này, các đại biểu, giảng viên, sinh viên, đã tích cực tham gia thảo luận, đặt nhiều câu hỏi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm. Sự tương tác này không chỉ thúc đẩy việc trao đổi thông tin mà còn tạo ra cơ hội hợp tác giữa các bên tham gia.
Lãnh đạo Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, Công ty Cổ phần Tumiki
và Viện đào tạo Logistics ONEX Training tại buổi ký Thỏa thuận hợp tác
Cũng trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết Bản thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và logistics. Thỏa thuận này được ký giữa Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, Công ty Cổ phần Tumiki, Viện Đào tạo Logistics ONEX Training thuộc Công ty TNHH ONEX Logistics. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc kết nối giữa giáo dục và thực tiễn, đồng thời thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp tại Việt Nam.
Hình ảnh tiếp đón đại biểu đến tham dự hội thảo
Bên lề hội thảo, nhiều đơn vị và doanh nghiệp đã tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nổi bật trong lĩnh vực điện tử, công nghệ vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Những gian hàng này không chỉ mang đến cơ hội cho các khách tham quan tìm hiểu về công nghệ tiên tiến mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp kết nối, trao đổi và hợp tác trong tương lai. Sự hiện diện của các sản phẩm công nghệ hiện đại đã làm phong phú thêm không khí hội thảo và thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham gia.
Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày
Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong xu thế hội nhập” đã khép lại thành công, mang lại nhiều giá trị và mở ra nhiều triển vọng mới cho sự hợp tác và phát triển. Sự tham gia sôi nổi của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và sinh viên không chỉ thúc đẩy việc trao đổi kiến thức mà còn tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động hợp tác trong tương lai. Hội thảo đã khẳng định tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành công nghiệp công nghệ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm